Chất đạm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển cơ thể. Tuy nhiên không phải cứ bổ sung đạm nhiều trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ là tốt. Bổ sung thực phẩm giàu đạm cho trẻ tiểu học cần kết hợp cân đối giữa nguồn đạm động vật và đạm thực vật. Qua đó, các bữa ăn của trẻ sẽ đa dạng về hương vị, cân đối và đầy đủ đủ năng lượng, dưỡng chất cần thiết mỗi ngày.
BỔ SUNG CHẤT ĐẠM THEO NHU CẦU CHO TRẺ TIỂU HỌC
Để đáp ứng nhu cầu đạm hàng ngày của trẻ thì cần cho trẻ ăn đầy đủ nhóm thực phẩm giàu đạm (như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, đỗ,...). Lượng tiêu thụ thực phẩm nhóm giàu đạm được tính theo “đơn vị ăn” (1 đơn vị ăn sẽ cung cấp được 7gam đạm). Với nhóm thực phẩm giàu đạm, theo khuyến nghị của THÁP DINH DƯỠNG, hàng ngày trẻ 12 - 14 tuổi nên sử dụng 5 - 7 đơn vị ăn, trẻ 15 - 19 tuổi nên sử dụng 6 - 8 đơn vị ăn. Mỗi bữa ăn chính nên có 2 – 3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm, cần phối hợp giữa thực phẩm giàu đạm động vật và đạm thực vật để đảm bảo cân đối về dinh dưỡng. Mỗi ngày nên cho trẻ ăn ít nhất 1 món từ thủy hải sản như tôm, cua, cá, trai, hến, sò, ngao, mực,… để bổ sung canxi và chất khoáng cho trẻ.
NHỮNG THỰC PHẨM GIÀU ĐẠM
Như ta đã biết, đạm có từ 2 nguồn: nguồn động vật (như thịt, cá, trứng, sữa,...) và nguồn thực vật (như từ đậu phụ và các loại thực phẩm họ đậu), với nhu cầu đạm nói trên, các nhà khoa học dinh dưỡng cũng khuyên rằng cần bảo đảm cả 2 nguồn đạm với một tỷ lệ hợp lý tuỳ theo độ tuổi. Thực phẩm giàu đạm động vật chứa các yếu tố vi lượng như canxi, sắt, kẽm, đồng, vitamin A, D, B,… là những dưỡng chất rất cần thiết cho cơ thể. Ví dụ như thịt lợn, thịt bò, thịt gà rất giàu sắt, kẽm. Cá đồng (cá nước ngọt) thì nhiều canxi còn cá biển có nhiều vitamin A, C. Lòng đỏ trứng giàu vitamin A, D, sắt. Còn tôm, cua và các thủy sản khác thì chứa nhiều vi chất, chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của trẻ như i-ốt, đồng, kẽm và canxi. Thực phẩm giàu đạm thực vật có thể kể đến như đậu phụ, đậu lăng, hạt chia, hạt mè, đậu đỗ khô,… đặc biệt đỗ tương có rất nhiều vitamin nhóm B.

NÊN PHỐI HỢP CÂN BẰNG THỰC PHẨM GIÀU ĐẠM TỪ THỰC VẬT VÀ ĐỘNG VẬT
Chất đạm trong quá trình tiêu hóa sẽ được phân hủy thành các axit amin, đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất của cơ thể. Nếu đạm động vật chứa nhiều loại axit amin cần thiết cho cơ thể thì ngược lại, đạm thực vật chỉ chứa một số ít axit amin mà cơ thể cần. Thế nhưng trong đạm thực vật lại chứa nhiều chất dinh dưỡng mà đạm động vật không có. Do đó, phối hợp bổ sung đạm động vật và đạm thực vật không chỉ giúp cân bằng lượng đạm cung cấp cho cơ thể, mà còn tăng cường lợi ích của chất đạm đối với sức khỏe, đa dạng hóa bữa ăn giúp cơ thể trẻ thêm khỏe mạnh.
Để trẻ có được chế độ dinh dưỡng đúng cách và nguồn chất đạm hợp lý từ việc ăn phối hợp giữa đạm động vật và đạm thực vật, bạn có thể cùng trẻ vào bếp với công thức món ngon để trổ tài nấu những món ăn giàu chất đạm, giúp trẻ tập thói quen ăn ngon ăn đúng mỗi ngày nhé!