Trẻ bị cận thị sẽ ảnh hưởng đến thị thực và việc đeo kính thường xuyên cũng làm giảm khả năng tham gia các hoạt động thể thao của trẻ. Hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu phát hiện sớm tình trạng cận thị ở trẻ em, từ đó, bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ trẻ kịp thời để giữ đôi mắt sáng khỏe.
TÁC HẠI CỦA VIỆC TRẺ BỊ CẬN THỊ
Cận thị là tật khúc xạ hay gặp nhất, gây giảm thị lực ở trẻ em và là nguyên nhân đứng thứ hai (sau đục thủy tinh thể) gây mù lòa. Các nghiên cứu cho thấy: trẻ bị cận thị khi tuổi càng nhỏ thì mức độ tiến triển cận thị càng nhanh, làm thị lực giảm sút càng nhiều. Nguy hiểm hơn, cận thị tiến triển nhanh, làm võng mạc bị dãn mỏng dễ dẫn tới nguy cơ thoái hóa võng mạc, rách võng mạc, thậm chí gây bong võng mạc dẫn tới mù lòa. Trẻ bị cận thị thường ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, công tác cũng như các sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Nhiều trẻ trở nên lười vận động, lười tập thể dục thể thao dẫn đến béo phì hoặc trái lại, bị suy dinh dưỡng. Hầu hết bố mẹ chỉ phát hiện trẻ bị cận thị khi trẻ bắt đầu đi học, thầy cô giáo thấy trẻ đọc sai chữ trên bảng, đọc nhầm chữ hoặc bé học sa sút mới đi khám và cho trẻ đeo kính thì đã muộn.
NGUYÊN NHÂN TRẺ BỊ CẬN THỊ
Ngoài yếu tố di truyền và bệnh lý, có rất nhiều nguyên nhân phổ biến khiến cho trẻ bị cận thị như sau:
- Trẻ đọc sách hoặc học tập ở nơi thiếu ánh sáng.
- Tiếp xúc với ánh sáng quá chói, ảnh hưởng đến giác mạc của trẻ.
- Tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như máy vi tính, ipad, điện thoại,… trong thời gian dài.
- Bàn ghế ngồi không phù hợp, làm cho trẻ khi ngồi học không đúng tư thế, mắt phải tiếp xúc quá gần với vật thể dẫn đến việc trẻ bị cận thị.
DẤU HIỆU TRẺ BỊ CẬN THỊ
Khi phát hiện trẻ có một hay nhiều các dấu hiệu sau đây, bố mẹ cần cho trẻ đi khám mắt để được xác định bệnh, tình trạng thị lực của trẻ và hướng điều trị sớm, giúp giữ gìn đôi mắt luôn sáng khỏe cho trẻ:
- Trẻ nhìn vật gì cũng phải đưa sát vào mắt mới nhìn rõ.
- Trẻ thường ngồi quá gần tivi; khi học thì cúi sát mắt vào trang sách.
- Trẻ hay nheo mắt để nhìn mọi vật, nhất là khi ánh sáng yếu.
- Trẻ thường nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ sự vật.
- Trẻ thường dụi mắt dù trẻ không buồn ngủ.
- Trẻ sợ ánh sáng, nhắm mắt vì chói mắt hoặc chảy nước mắt.
- Trẻ thường tránh né những hoạt động phải nhìn xa như ném bóng, đá cầu,... Trái lại, trẻ lại thích thú với các hoạt động nhìn gần như đọc truyện, xem phim, vẽ tranh...
- Kết quả học tập của trẻ bị sút kém do ảnh hưởng của cận thị.
- Trẻ sẽ kêu nhìn mờ hoặc nhức mắt.

PHÒNG TRÁNH CẬN THỊ CHO TRẺ
- Đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng/ lần.
- Dạy trẻ tư thế ngồi học hoặc đọc sách đúng, không nên cúi đầu sát vào sách, giữ khoảng cách an toàn giữa mắt và vật thể.
- Cho trẻ ngồi học ở nơi ánh sáng tốt.
- Hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử. Sau một thời gian mắt phải hoạt động nhiều, nên cho mắt nghỉ ngơi.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ với thực phẩm giàu vitamin A để cải thiện thị lực, tăng cường sức khỏe mắt, hạn chế cận thị. Các thực phẩm bổ sung vitamin A như cà rốt, cá hồi, bông cải xanh, bơ, khoai lang, trứng,…
Hãy xem thêm Những thực phẩm giúp bổ sung vitamin A để giúp con duy trì đôi mắt sáng khỏe, tránh tình trạng trẻ bị cận thị nhé.