BÀI GIẢNG SẼ GỒM 5 PHẦN GIÚP CÁC EM HIỂU ĐƯỢC:
- Các trạng thái cân bằng năng lượng.
- Thế nào là thừa cân, béo phì ở trẻ em.
- Cách sử dụng phần mềm trên trang web “Dinh Dưỡng Học Đường” để tự tính chỉ số khối cơ thể (BMI), qua đó tự đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bản thân.
- Hậu quả của thừa cân, béo phì ở trẻ.
- Ghi nhớ cách phòng chống thừa cân béo phì; xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và vận động tích cực để cơ thể khỏe mạnh.
TRẠNG THÁI CÂN BẰNG NĂNG LƯỢNG
Để phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ em thì trước tiên, ta cần phải tìm hiểu thế nào là thừa cân béo phì và nguyên nhân gây ra tình trạng dinh dưỡng này là gì. Để trả lời những câu hỏi đó, ta phải hiểu được trạng thái cân bằng năng lượng. Ở trẻ em, sẽ có 2 nhóm năng lượng, bao gồm:
- Năng lượng tiêu hao: ở trẻ, cơ thể muốn duy trì được các chức năng sống (như chuyển hoá, hít thở, tiêu hoá,...) và các hoạt động thể chất, học tập, lao động, vui chơi,… thì cần phải có năng lượng. Quá trình cơ thể sử dụng năng lượng cho các hoạt động trên gọi là quá trình tiêu hao năng lượng.
- Năng lượng ăn vào: năng lượng cung cấp cho cơ thể chính là lấy từ nguồn thức ăn vào hàng ngày (gồm các thực phẩm trong nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường). Khi ăn vào, cơ thể sẽ tiêu hoá, chuyển hóa các chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, chất bột đường) để hấp thu được năng lượng, đây còn gọi là năng lượng ăn vào.
Như vậy 2 quá trình trên gắn liền với nhau và có mức độ cân bằng tương đối. Cơ thể cần bổ sung năng lượng ăn vào để đáp ứng nhu cầu năng lượng tiêu hao cho các hoạt động sống. Bình thường có 3 trạng thái cân bằng năng lượng như sau:
- Năng lượng ăn vào = Năng lượng tiêu hao: nếu năng lượng ăn vào đầy đủ so với nhu cầu năng lượng của cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sinh lý, hoạt động thể lực phù hợp,… thì cơ thể trẻ sẽ khỏe mạnh, phát triển bình thường.
- Năng lượng ăn vào > Năng lượng tiêu hao: hậu quả là trẻ béo phì, thừa cân.
- Năng lượng ăn vào < Năng lượng tiêu hao: hậu quả là trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

THẾ NÀO LÀ THỪA CÂN BÉO PHÌ Ở TRẺ EM
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa thừa cân béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân, gây nguy hại tới sức khỏe.
Trong cơ thể luôn có một lượng mỡ nhất định và lượng mỡ này cần thiết để dự trữ năng lượng, giữ nhiệt, hấp thụ những chấn động và bảo đảm một số chức năng sinh lý khác.
Nhìn chung, người bị thừa cân, béo phì có trọng lượng cơ thể lớn hơn trọng lượng chuẩn so với một người khỏe mạnh.
Như vậy, thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá ngưỡng so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định cho trẻ có cùng độ tuổi, chiều cao và giới tính (vượt quá ngưỡng +1SD trong bảng tiêu chuẩn phân loại). Còn béo phì là tình trạng thừa cân ở mức độ nhiều hơn (vượt quá ngưỡng +2SD trong bảng tiêu chuẩn phân loại).
Nguyên nhân thừa cân béo phì có thể có nhiều, nhưng chủ yếu là do chế độ ăn uống và hoạt động thể lực không phù hợp.

Mức độ thừa cân béo phì được phân loại bằng cách sử dụng chỉ số khối cơ thể BMI. Chỉ số BMI được tính dựa trên chiều cao và trọng lượng cơ thể. Việc theo dõi chiều cao, cân nặng và đánh giá chỉ số BMI nên được tiến hành định kỳ, thường xuyên để xác định được tình trạng dinh dưỡng của trẻ, sớm phát hiện những dấu hiệu thừa cân để từ đó, xây dựng giải pháp phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ em hiệu quả.
CÁCH TÍNH CHỈ SỐ BMI ĐỂ PHÒNG CHỐNG THỪA CÂN BÉO PHÌ Ở TRẺ EM
- Tính chỉ số BMI bằng công thức:
Chỉ số BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét):
Kết quả chỉ số BMI này được so sánh đối chiếu với 1 bảng chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dành cho trẻ 5 - 19 tuổi. Dựa vào bảng này sẽ đánh giá được tình trạng dinh dưỡng của trẻ là: suy dinh dưỡng; bình thường; thừa cân hay trẻ béo phì? Bảng phân loại tình trạng dinh dưỡng dựa vào chỉ số BMI là khác nhau giữa Nam và Nữ. Hãy tham khảo 2 bảng sau đây:
Bảng phân loại TTDD của Học sinh Nam (5 - 19 tuổi)
Bảng phân loại TTDD của Học sinh Nữ (5 - 19 tuổi)(Nếu nội dung dưới đây quá khó hiểu với trẻ, thì giáo viên nên dừng ở đây và chỉ cần giới thiệu cho trẻ biết: muốn đánh giá xem trẻ có bị thừa cân, béo phì không thì chỉ cần biết tuổi, giới tính, chiều cao và cân nặng; sau đó tra 1 trong 2 bảng trên để biết được tình trạng dinh dưỡng).
Sau khi tra bảng trên, tình trạng dinh dưỡng hiện tại của trẻ là:
- Thừa cân: nếu giá trị BMI nằm ở bên tay phải của cột 1SD (tức là BMI > +1SD, tương đương với mức BMI = 25 kg/ m2 ở nhóm 19 tuổi).
- Béo phì: nếu giá trị BMI nằm ở bên tay phải của cột 2SD (tức là BMI > +2SD, tương đương với mức BMI = 30 kg/ m2 ở nhóm 19 tuổi).
- Bình thường: nếu giá trị BMI nằm ở từ cột -2SD đến cột 1SD (tức là -2SD < BMI < +1SD).
- Gầy: Nếu giá trị BMI nằm ở bên tay trái của cột -2SD (tức là BMI < -2SD).
- Rất gầy: Nếu giá trị BMI của bạn nằm ở bên tay trái của cột -3SD (tức là BMI < -3SD).


- Tính chỉ số BMI bằng phần mềm
Dựa vào phần mềm “Công Cụ Đánh Giá Dinh Dưỡng” trên trang web Dinh Dưỡng Học Đường, trẻ sẽ dễ dàng tự tính được chỉ số BMI. Hãy cho trẻ xem ví dụ về tính chỉ số BMI bằng phần mềm:
Trường hợp 1: bạn Hoa (nữ), sinh ngày 10/8/2010. Cân nặng là 25,8kg; Chiều cao là 125,2cm. Hoa nhập kết quả cân/ đo ở trên vào phần mềm “Công Cụ Đánh Giá Dinh Dưỡng”. Kết quả cho thấy Hoa có tình trạng dinh dưỡng bình thường (không bị suy dinh dưỡng, không bị thừa cân, béo phì).
Trường hợp 2: Bạn Thu (nữ), sinh ngày 10/8/2010. Tuy cùng tuổi với Hoa, nhưng gần đây Thu không duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân nặng của Thu hiện tại là 31,5kg, chiều cao của Thu vẫn là 125,2cm. Nhập số liệu trên vào phần mềm cho thấy: Thu đã bị thừa cân.

HẬU QUẢ CỦA THỪA CÂN BÉO PHÌ Ở TRẺ EM
Hậu quả của thừa cân, béo phì đối với sức khỏe của trẻ là rất lớn, ở hiện tại và cả lâu dài về sau:
- Tăng tỉ lệ mắc bệnh.
- Nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
- Ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp.
- Ảnh hưởng về mặt tâm lý, xã hội (mặc cảm, xấu hổ).
- Giảm hiệu suất lao động, học tập.
Do đó, việc nhận biết sớm nguy cơ và phòng chống thừa cân béo phì cho trẻ là điều vô cùng cần thiết. Trẻ béo phì, thừa cân thường có mặc cảm về hình thức của mình. Hơn nữa, cân nặng nhiều hơn mức bình thường cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Vì thế, việc điều chỉnh chế độ ăn uống và hoạt động thể lực phù hợp là hết sức cần thiết, giúp trẻ phát triển thể lực tốt hơn, phòng tránh các bệnh mạn tính về sau.
CÁCH PHÒNG CHỐNG THỪA CÂN BÉO PHÌ Ở TRẺ EM
- Ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn cá, hải sản.
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt. Giảm bớt gạo, thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.
- Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.
- Hạn chế các món rán, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho cho trẻ.
- Nhai kỹ và ăn chậm để giúp cơ thể no lâu hơn, là cách phòng chống thừa cân béo phì hiệu quả.
- Ăn đều đặn, đúng giờ, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói sẽ , trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn.
- Ăn nhiều vào bữa sáng để tránh ăn vặt ở trường, tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn (vì thường nhiều chất béo độc hại), giảm ăn vào buổi chiều và tối.
- Không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có ga. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem.
- Không nên dự trữ sẵn các loại thức ăn giàu năng lượng như: bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocolate, kem, nước ngọt trong nhà vì đây là các nguyên nhân béo phì phổ biến ở trẻ.
- Tăng cường các hoạt động thể lực: bên cạnh điều trị bằng chế độ ăn, việc tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ tiêu hao năng lượng, phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt.
- Tạo niềm thích thú cho trẻ với các hoạt động thể chất, thể thao dễ dàng gần gũi với cuộc sống như: đi bộ đến trường, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, leo cầu thang,…
- Hạn chế các thói quen là nguyên nhân béo phì ở trẻ như ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử,... thay vào đó nên hướng dẫn trẻ làm các công việc ở nhà như lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc,…
- Ngoài giờ học trên lớp, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy, vận động tích cực là cách giúp phòng chống thừa cân béo phì hiệu quả.
TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC
Bài trắc nghiệm trực tuyến, thao tác đơn giản, có ngay kết quả giúp đánh giá kiến thức vừa học được. Trẻ chỉ cần chọn đáp án đúng nhất cho mỗi câu và hoàn thành bài trắc nghiệm trong thời gian quy định.