BÀI GIẢNG GỒM 4 PHẦN GIÚP CÁC EM
- Hiểu được thế nào là suy dinh dưỡng và hậu quả của suy dinh dưỡng.
- Biết được nguyên nhân suy dinh dưỡng và cách khắc phục.
- Có ý thức ăn uống hợp lý và vận động tích cực để cơ thể khỏe mạnh.
- Tự cân, đo; sử dụng phần mềm trên máy tính để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bản thân.
THẾ NÀO LÀ SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ EM
Suy dinh dưỡng ở trẻ em, hiểu theo nghĩa rộng, là tình trạng dinh dưỡng không nằm trong ngưỡng bình thường do chế độ ăn không hợp lý gây ra, trẻ có thể bị thiếu hụt về cân nặng, thiếu hụt về chiều cao, (gọi là suy dinh dưỡng thể thiếu); trẻ cũng có thể bị thừa cân, béo phì (gọi là suy dinh dưỡng thể thừa).

Trong bài giảng này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tình trạng suy dinh dưỡng thể thiếu ở trẻ em: thiếu cân nặng; hoặc thiếu chiều cao; hoặc vừa thiếu cân nặng vừa thiếu chiều cao.
Chúng ta có thể định nghĩa Suy dinh dưỡng thể thiếu “là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể”.
Biểu hiện sớm của suy dinh dưỡng đó là trẻ ngừng tăng cân hoặc bị giảm cân, chậm lớn hoặc ngừng tăng chiều cao. Cân nặng và chiều cao của trẻ sẽ thấp hơn chuẩn của trẻ bình thường.
Ngoài các biểu hiện thấp bé, còi cọc ở các mức độ khác nhau, trẻ bị suy dinh dưỡng còn có thể kèm các biểu hiện như: mệt mỏi, thiếu hoạt bát, học tập kém, hay buồn ngủ, trong lớp kém tập trung, biếng ăn, khó ngủ/ ngủ ít, cơ nhão,...
Một số trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ và vừa ít được gia đình chú ý tới vì trông bề ngoài vẫn bình thường. Trong một lớp học, hay trong một cộng đồng mà có nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, chúng ta càng khó nhận biết vì nhìn mọi trẻ đều "nhỏ bé" như nhau. Do đó, chúng ta phải dựa trên kết quả cân đo cụ thể mới phát hiện và phân loại được tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em một cách chính xác và có cách phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ hiệu quả.
NGUYÊN NHÂN SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ
Các em ở lứa tuổi tiểu học dễ bị suy dinh dưỡng; trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng thường xuyên bị thiên tai (hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn…), thường có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân sau đây:
- Do chế độ ăn thiếu năng lượng, thiếu các chất dinh dưỡng: trong chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng thường hay thiếu chất đạm, chất béo, đặc biệt là thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Bữa ăn hàng ngày của trẻ thiếu thức ǎn có nguồn gốc động vật, thiếu rau xanh, quả chín, trái cây... Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, chủ yếu do gia đình và bản thân các em thiếu kiến thức về dinh dưỡng nên chưa thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.
- Do bệnh lý: thường gặp nhất là mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa, các bệnh liên quan ký sinh trùng. Đặc biệt là tiêu chảy kéo dài, bệnh lao,…
- Do các yếu tố liên quan khác: suy dinh dưỡng từ nhỏ; điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ăn uống thiếu thốn dài ngày; bảo quản, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nên trẻ hay bị tiêu chảy; môi trường sống bị ô nhiễm, xử lý nước thải, phân, rác không đảm bảo hoặc thiên tai (hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn,…), chiến tranh nên trẻ không được ăn uống và chăm sóc đầy đủ.
HẬU QUẢ CỦA SUY DINH DƯỠNG
- Suy dinh dưỡng là nguyên nhân trực tiếp quan trọng làm chậm phát triển thể chất, hạn chế sự phát triển thể lực và tầm vóc. Nếu để suy dinh dưỡng kéo dài sẽ làm chậm phát triển cả mô cơ, mô xương nên dẫn đến chậm phát triển cả thể lực và tầm vóc của trẻ về sau. Khi trưởng thành dễ bị thấp lùn.
- Tăng nguy cơ thiếu các vi chất dinh dưỡng quan trọng như thiếu sắt, thiếu vitamin A, thiếu kẽm, thiếu iốt,... gây chán ăn và thiếu các vi chất dinh dưỡng trên lại tiếp tục duy trì và làm nặng hơn tình trạng suy dinh dưỡng tạo ra một vòng xoắn luẩn quẩn.
- Hay mắc các bệnh nhiễm trùng tái diễn như viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy, viêm da,… do suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
- Giảm khả năng tư duy, nhận thức, kém tập trung nên học tập kém hiệu quả
- Giảm khả năng lao động và học tập, khó có thể đảm nhiệm và hoàn thành tốt các công việc có liên quan đến thể lực như các cuộc thi đấu thể thao. Trí óc hoạt động kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ.
CÁCH PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG CHO TRẺ
Để phòng chống suy dinh dưỡng, các em cần thực hiện những điều sau:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn đủ chất, đa dạng thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm cơ bản. Ăn đủ về số lượng lẫn chất lượng. Ưu tiên nhóm thức ăn giàu chất đạm, béo để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ kịp thời.
- Không bỏ bữa sáng trước khi đi học, ăn đủ số bữa trong ngày với thời gian hợp lý.
- Nếu bị bệnh (ốm) phải đi thăm khám và điều trị kịp thời.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
- Thường xuyên kiểm tra chiều cao và cân nặng, trung bình từ 3-6 tháng/ lần, nếu bạn nào đang bị suy dinh dưỡng thì phải cân đo hàng tháng để xem mức độ phục hồi.
- Tăng cường vận động thể lực để có sức khỏe tốt.
CÁCH ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG
Có nhiều phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng nhưng phổ biến nhất là phương pháp dựa vào cân nặng và chiều cao để tính chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể), bằng “Công Cụ Đánh Giá Dinh Dưỡng”. Chỉ cần nhập vào các số liệu sau là máy tính sẽ tự đưa ra chẩn đoán và phân loại tình trạng dinh dưỡng, đồng thời đưa ra lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giúp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ.
- Ngày tháng năm sinh (theo dương lịch)
- Giới tính (Nam hay nữ?)
- Cân nặng hiện tại (tính theo kilogam với 1 số lẻ, ví dụ: 23,4kg)
- Chiều cao hiện tại (tính theo centimet với 1 số lẻ, ví dụ: 127,5cm).

TRẮC NGHIỆM KIẾN THỨC
Bài trắc nghiệm trực tuyến, thao tác đơn giản, có ngay kết quả giúp đánh giá kiến thức vừa học được. Trẻ chỉ cần chọn đáp án đúng nhất cho mỗi câu và hoàn thành bài trắc nghiệm trong thời gian quy định.
