Chế biến là giai đoạn rất quan trọng, là công việc cuối cùng trước khi đưa thức ăn vào sử dụng. Có nhiều hình thức chế biến để tạo nên nhiều món ăn khác nhau ví dụ như món nấu, món xào, món canh, món rán… Sử dụng phương pháp chế biến phù hợp sẽ hạn chế được sự hao hụt các chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm. Do đó, cần phải biết được các phương pháp chế biến thực phẩm để tạo nên những món ăn ngon, bổ dưỡng và hợp vệ sinh nhé!
LÀM CHÍN THỰC PHẨM TRONG NƯỚC

Luộc là làm chín thực phẩm với nhiều nước và thời gian đủ để chín mềm. Tùy theo yêu cầu món ăn và loại thực phẩm, có thể cho thực phẩm vào luộc lúc nước lạnh, ấm hoặc nước sôi.
- Quy trình thực hiện: Làm sạch và cho thực phẩm vào nước để luộc chín, sau đó bày món ăn ra đĩa (khi sơ chế tùy theo loại thực phẩm thì có thể phải thái, cắt thực phẩm thành miếng nhỏ, chú ý là nên sử dụng riêng dao thớt thái thực phẩm chín với dao thớt dùng sơ chế thực phẩm sống nhé). Món luộc này có thể ăn kèm với nước chấm hoặc gia vị thích hợp (có thể sử dụng nước luộc, tùy món).
- Yêu cầu thành phẩm: Nước luộc trong. Thực phẩm động vật (thịt, cá…) chín mềm, không dai, không nhừ. Thực phẩm thực vật (rau, củ, quả): Rau lá chín tới, có màu xanh và rau củ chín bở hoặc chín dẻo.
Mách nhỏ:
- Luộc gà: Khi luộc gà bạn nên dùng nước lạnh để luộc từ đầu thì khi chín gà sẽ không bị đỏ xương. Để gà khi luộc không bị tụt da, hãy chặt rời phần chân gà bên dưới phần khuỷu chân để khi luộc da gà co lại sẽ không bị rách nhé. Hoặc khi nước bắt đầu sôi thì bạn để nhỏ lửa, gà sẽ chín om, mềm, thân gà lành lặn, đẹp mà không bị xé rách bởi tác động của nhiệt.
- Luộc rau: Cho lượng nước vừa phải (không nên quá ít nước) và cho thêm một chút muối, đun thật sôi nước rồi mới cho rau vào, khi luộc rau sẽ có màu xanh hơn bạn nhé. Chỉ luộc chín tới, không quá nhừ sẽ giảm được lượng hao hụt vitamin có trong rau.

Nấu là làm chín thực phẩm trong môi trường nước. Khi nấu thường kết hợp thực phẩm động vật và thực vật, hoặc nấu riêng từng loại, có thêm gia vị các loại.
- Quy trình thực hiện: Làm sạch nguyên liệu thực phẩm, cắt thái phù hợp, tẩm ướp gia vị (có thể rán sơ qua cho ngấm gia vị và giữ độ ngọt khi nấu). Nấu nguyên liệu động vật trước, sau đó cho nguyên liệu thực vật vào, nêm vừa miệng. Rồi cho thực phẩm ra bát (chén)/ đĩa.
- Yêu cầu thành phẩm: Thực phẩm chín mềm, không dai, không nát. Có hương vị thơm ngon, vừa ăn và màu sắc hấp dẫn.

Kho là làm chín mềm thực phẩm trong lượng nước vừa phải với vị mặn đậm đà.
- Quy trình thực hiện: Làm sạch nguyên liệu thực phẩm, cắt thái phù hợp, tẩm ướp gia vị. Nấu thực phẩm đã sơ chế với lượng nước ít, có vị đậm. Rồi cho thực phẩm ra bát (chén)/ đĩa.
- Yêu cầu thành phẩm: Thực phẩm mềm nhừ không nát, ít nước, hơi sánh, vị mặn vừa phải (vì ăn mặn quá không tốt cho sức khỏe) và có màu vàng nâu.
LÀM CHÍN THỰC PHẨM BẰNG HƠI NƯỚC

Hấp (đồ) là làm chín thực phẩm bằng sức nóng của hơi nước. Lửa cần to để hơi nước bốc nhiều mới đủ làm chín thực phẩm.
- Quy trình thực hiện: Làm sạch, sơ chế tùy theo yêu cầu của món, tẩm ướp gia vị (nếu cần). Sau đó cho thực phẩm đã sơ chế vào nồi hấp, đun sôi và đậy vung thật kín (đun lửa to cho nước sôi mạnh). Cuối cùng cho món hấp đã chín ra bát (chén)/ đĩa và thưởng thức.
- Yêu cầu thành phẩm: Thực phẩm chín mềm, ráo nước không có nước hoặc rất ít nước. Có mùi vị thơm ngon, vừa ăn và có màu sắc đặc trưng của món ăn.
LÀM CHÍN THỰC PHẨM BẰNG SỨC NÓNG TRỰC TIẾP CỦA LỬA

Nướng là làm chín thực phẩm bằng sức nóng trực tiếp của lửa, chỉ dùng lửa dưới tức là không hơ trực tiếp trên ngọn lửa cháy to mà là dùng sức nóng của nhiệt tỏa ra, thường là nướng trên than củi (than hoa). Nướng 2 bên mặt của thực phẩm cho đến khi chín vàng đều. Ngoài nướng trên than củi, hiện nay nhiều gia đình còn sử dụng lò nướng điện..
- 1. Quy trình thực hiện: Làm sạch nguyên liệu, để nguyên hoặc cắt thái, tẩm ướp gia vị, đặt lên vỉ hoặc xiên vào que tre vót nhọn rồi nướng vàng đều.
- 2. Yêu cầu thành phẩm: Thực phẩm chín đều, không dai, có màu vàng nâu.
LÀM CHÍN THỰC PHẨM TRONG CHẤT BÉO

Rán (chiên) là làm chín thực phẩm trên lửa trong lượng chất béo khá nhiều.
- 1. Quy trình thực hiện: Làm sạch nguyên liệu thực phẩm, cắt thái phù hợp, tẩm ướp gia vị (nếu cần). Sau đó cho nguyên liệu đã sơ chế vào chất béo đang nóng già, rán vàng đều, chín kĩ.
- 2. Yêu cầu thành phẩm: Thành phẩm giòn, xốp, ráo mỡ, chín kĩ, không cháy xém hay vàng non.

Rang là làm chín thực phẩm với rất ít chất béo, hoặc không có chất béo, đảo đều trong chảo, lửa vừa đủ để thực phẩm chín từ ngoài vào trong.
- 1. Quy trình thực hiện: Làm sạch nguyên liệu và sơ chế tùy theo món, Sau đó cho nguyên liệu đã sơ chế vào chảo với lượng rất ít chất béo hoặc không có chất béo, đảo đều liên tục cho thực phẩm chín vàng.
- 2. Yêu cầu thành phẩm: Món rang phải khô, săn chắc, có mùi thơm cùng màu sắc hấp dẫn.

Xào là làm chín thực phẩm với chất béo vừa phải, đun lửa to trong thời gian ngắn.
- 1. Quy trình thực hiện: Làm sạch, sơ chế thực phẩm và tẩm ướp gia vị tùy theo sở thích. Cho dầu (mỡ) vào chảo đun sôi, rồi thêm hành/ tỏi, gia vị vào cho thơm. Sau đó cho nguyên liệu đã làm sạch vào xào, sử dụng lửa to, có thể cho thêm ít nước để tăng độ chín, nêm vừa ăn. Với món xào hỗn hợp giữa nguyên liệu động vật và thực vật thì bạn nên cho nguyên liệu động vật đã sơ chế xào trước, xào chín đều, múc ra bát (chén). Tiếp theo mới xào nguyên liệu thực vật chín tới, rồi mới cho nguyên liệu động vật đã xào chín lúc nãy vào trộn đều, sử dụng lửa to, xào nhanh, có thể cho thêm ít nước để tăng độ chín, nêm vừa ăn.
- 2. Yêu cầu thành phẩm: Thực phẩm động vật chín mềm, không dai. Còn thực phẩm thực vật thì chín tới, không cứng hay mềm nhũn. Món ăn phải còn lại ít nước, hơi sệt, vị vừa ăn và giữ được màu sắc tươi ngon của thực phẩm thực vật..
Sau khi đã biết được những cách nấu ăn có dùng nhiệt, bạn hãy vào bếp với các công thức chế biến món ăn ngon tuyệt ở đây nhé! Nấu ăn tại nhà không chỉ đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn giúp gắn kết không khí gia đình, và duy trì bữa ăn gia đình càng thêm ấm cúng hơn đó.