Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, gây ra những bệnh như sốt vi-rút, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm da,… Lượng mồ hôi toát ra nhiều hơn làm cho cơ thể mất một lượng nước và chất khoáng đáng kể, do vậy càng khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng. Hơn nữa, đây lại là mùa thi nên trẻ phải thức khuya hoặc tập trung cho việc học nhiều nhất, do đó việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ là vô cùng quan trọng. Vì vậy khi chăm sóc trẻ, bố mẹ và mọi người trong gia đình cần lưu ý những nguyên tắc dưới đây:
4 LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO TRẺ TRONG MÙA NẮNG NÓNG
- Trẻ nên ăn đủ và đa dạng thực phẩm: mỗi ngày từ 15 – 20 loại thực phẩm từ 4 nhóm theo đủ lượng khuyến cáo của Tháp Dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi tiểu học.
- Trẻ cần ăn đủ 3 bữa chính: có thể ăn thêm 1 hoặc 2 bữa phụ. Đặc biệt không được bỏ bữa sáng vì đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho não. Sau khoảng thời gian dài từ 10 đến 12 giờ, từ bữa ăn cuối cùng của ngày hôm trước, bữa ăn sáng là nguồn cung cấp lượng carbohydrate phức hợp (đường đa) có nhiều trong ngũ cốc, bánh mì, một số rau củ như khoai tây, cà rốt, củ cải,... Các loại thực phẩm trên đều chứa các loại đường được cơ thể hấp thụ và tiêu hóa từ từ, tạo nên nguồn năng lượng dài hạn, giúp duy trì các hoạt động thể chất của trẻ trong cả ngày.
- Nên chế biến các món dễ ăn, dễ tiêu hóa: trẻ ăn được nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào cách chế biến thức ăn, nên cho trẻ ăn các món luộc, hấp, nấu canh,... ;hạn chế các món xào, rán, nướng, kho khô vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và gây khát.
- Cần chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm: vi khuẩn rất dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm. Nếu trẻ ăn phải thức ăn ôi, thiu hoặc thực phẩm, nước uống không bảo đảm vệ sinh, cũng như nước đá không tinh khiết rất dễ gây bệnh tiêu chảy. Bố mẹ nên cho trẻ ăn ngay sau khi nấu xong, ăn bữa nào hết bữa đó, hạn chế việc trữ thức ăn thừa. Không nên cho trẻ ăn quá mặn vì sẽ gây gánh nặng lên thận; không nên chế biến thức ăn có nhiều loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng,... sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

TĂNG CƯỜNG VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT
- Chế độ dinh dưỡng tăng cường rau xanh: trẻ cần được cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất bị mất đi do quá trình tăng tiết mồ hôi. Mỗi ngày trẻ cần ăn từ 200 - 300gam rau củ quả, nên ăn các loại rau màu xanh đậm, trái cây mọng nước và giàu vitamin C như bưởi, cam, quýt, dưa hấu,… để tăng sức đề kháng.
- Duy trì hoạt động thể lực: ngoài việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lý, bố mẹ cần khuyến khích trẻ duy trì hoạt động thể lực hàng ngày, giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần vui tươi hơn.
Bố mẹ cần chú ý cho trẻ uống đủ nước vì nhu cầu nước vào mùa nắng nóng sẽ cao hơn các mùa khác. Mời bố mẹ xem thêm bài viết cách xây dựng thói quen uống đủ nước mỗi ngày để tập cho trẻ uống nước đều đặn, tăng sức đề kháng, giúp trẻ khỏe mạnh hơn nhé!