Dạy Trẻ Cách Trình Bày Bữa Ăn Gia Đình
Dinh dưỡng học đường

DUY TRÌ BỮA ĂN GIA ĐÌNH

Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, làm quen với các quy tắc trên bàn ăn và thêm thời gian trò chuyện, gắn kết với cả nhà.

DẠY TRẺ CÁCH TRÌNH BÀY BỮA ĂN GIA ĐÌNH

Dinh dưỡng học đường

Bên cạnh việc dạy trẻ Cách Xây Dựng Thực Đơn Cho Bữa Ăn Dinh DưỡngCách Chọn Mua Thực Phẩm Cho Bữa Ăn Dinh Dưỡng thì việc hướng dẫn trẻ cách bày biện bàn ăn và thu dọn bàn ăn cũng quan trọng không kém. Vì qua đó, trẻ sẽ biết cách sắp xếp bàn ăn hấp dẫn hơn, hình thành thói quen ngăn nắp, ăn uống lành mạnh và hiểu hơn về giá trị của bữa ăn gia đình khi cùng mọi người chuẩn bị bàn ăn.

CHUẨN BỊ DỤNG CỤ

  • Phân biệt các dụng cụ: để trẻ tập làm quen dần, đầu tiên bạn hãy giới thiệu cho trẻ một số công dụng và chức năng của các dụng cụ trước, sau đó hãy phân công cho trẻ những việc nhẹ nhàng theo hiệu lệnh của bạn như lấy và dọn các loại bát (chén), đĩa, thìa (muỗng), đũa, cốc (ly),…
  • Dọn các dụng cụ đầy đủ và thích hợp: tập cho trẻ căn cứ vào thực đơn của bữa ăn, hoặc số người trong gia đình để tính số lượng các dụng cụ ăn uống cần chuẩn bị.
  • Chọn các dụng cụ phù hợp với tính chất bữa ăn: hãy hướng dẫn trẻ nên lấy các loại dụng cụ tương ứng với tính chất của bữa ăn, và đặc trưng của từng món ăn. Ví dụ với những món có sợi dài thì cần phải dùng đũa hoặc nĩa, hay các món canh thì phải đựng trong tô hoặc bát (chén).
Banner

BÀY BÀN ĂN

  • Trang trí bàn ăn: bàn ăn cần được trang trí lịch sự, đẹp mắt. Để đáp ứng những bữa cơm nhà đơn giản thì bàn ăn cần phải được lau sạch sẽ trước khi dọn món. Bạn có thể hướng dẫn trẻ cách trải khăn bàn (nếu có).
  • Bày món ăn: món ăn trên bàn phải được sắp xếp sao cho hợp lí và thuận tiện cho những người dùng bữa. Theo cách trình bày bàn ăn của những bữa cơm gia đình Việt, thông thường món canh sẽ được đặt ở giữa, xung quanh là các món mặn, xào, luộc,… Nếu kích thước bàn ăn lớn, có thể chia món ăn thành nhiều phần để đặt ở nhiều vị trí trên bàn, thuận tiện cho người dùng bữa gắp thức ăn.
  • Dọn món ăn hoặc nước chấm đi kèm: với các món Việt thì thường sẽ có những loại nước chấm hoặc món ăn phụ đi kèm. Bạn hãy tập cho trẻ thói quen quan sát và ghi nhớ bằng cách để trẻ chuẩn bị những nước chấm đi kèm với món theo gợi ý của bạn, một lưu ý nữa là bạn nên dạy trẻ pha chế nước chấm sao cho phù hợp với loại thực phẩm sẽ chấm ăn kèm, việc này không chỉ tạo ra vị ngon đặc trưng cho mỗi món ăn mà còn giúp pha loãng nước chấm, tránh việc ăn mặn làm ảnh hưởng không tốt đến chức năng của thận và gây tăng huyết áp.
Banner

THU DỌN BÀN ĂN

  • Xếp dụng cụ theo từng loại: hãy hướng dẫn trẻ cách dễ dàng thu dọn các dụng cụ đó là xếp gọn các dụng cụ theo từng loại (ví dụ như đũa với đũa,…), hoặc xếp chồng lên để có thể dễ dàng di chuyển.
  • Không thu dọn dụng cụ ăn uống khi còn người đang ăn: nhắc nhở trẻ bàn ăn chỉ nên được thu dọn sau khi bữa cơm đã hoàn tất, và mọi người đã dùng bữa xong.
  • Dọn dẹp sạch sẽ bàn ăn: sau khi đã dọn xong các dụng cụ, hãy tập cho trẻ lau bàn thật sạch sẽ, và dọn bàn, ghế sao cho thật gọn gàng, ngăn nắp. Bước cuối cùng, bạn nhắc nhở trẻ quét nhà thật sạch nhé. Cứ tập cho trẻ những công việc nhà đơn giản như thế mỗi ngày, trẻ sẽ sớm tập được thói quen tốt ngay từ bé.

 

Ngoài việc hướng dẫn trẻ sắp xếp và thu dọn bàn ăn, để trẻ tập làm việc nhà và ý thức hơn về những bữa cơm gia đình, bạn cũng có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi cùng trẻ vào bếp bằng những CÔNG THỨC MÓN NGON được gợi ý. Trẻ sẽ không chỉ thêm hứng khởi với những bữa cơm gia đình, mà còn có thêm kiến thức về dinh dưỡng cùng kĩ năng nấu ăn, từ đó xây dựng nếp sống lành mạnh tốt cho tương lai sau này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM