Dạy Trẻ Phòng Ngừa Ngộ Độc Thực Phẩm | Dinh Dưỡng Học Đường
Dinh dưỡng học đường

DUY TRÌ BỮA ĂN GIA ĐÌNH

Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, làm quen với các quy tắc trên bàn ăn và thêm thời gian trò chuyện, gắn kết với cả nhà.

DẠY TRẺ CÁCH PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Dinh dưỡng học đường

Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn khá yếu nên rất nhạy cảm với thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, việc chủ động dạy trẻ phòng tránh ngộ độc thực phẩm là biện pháp bảo vệ và giúp trẻ sớm hoàn thiện hệ miễn dịch, không mắc phải biến chứng nguy hiểm. Bài viết sau sẽ cung cấp một số mẹo hữu ích giúp bạn dạy trẻ cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

TRIỆU CHỨNG CỦA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

  • Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra khi vừa ăn xong hoặc sẽ có triệu chứng trong vài giờ.
  • Có từ 2 người trở lên có triệu chứng bệnh tương tự nhau sau khi cùng sử dụng 1 loại thực phẩm, trong khi những người không ăn thì không bị bệnh.
  • Các dấu hiệu gợi ý ngộ độc thực phẩm là: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
  • Quan sát thực phẩm thấy có biểu hiện nghi ngờ, như ôi thiu, có mùi lạ, có vị lạ, có thể quan sát thấy côn trùng (như ruồi) bu bám, đẻ trứng.

Ngộ độc thực phẩm sẽ rất nguy hiểm nếu có các dấu hiệu nặng ở đường tiêu hoá hoặc bị mất nước, nhiễm trùng, hay xuất hiện thêm các triệu chứng như: rối loạn thần kinh (nhìn mờ, nói khó, nói ngọng, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt); rối loạn tim mạch (tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở); có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như đau ngực, cổ, hàm, họng); sức đề kháng của cơ thể kém (nhất là ở các đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi, người đang dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch, người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố,…).

Dạy trẻ cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm - Hình 1 - Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm

 

NGUYÊN NHÂN NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên. Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ngay hoặc sau nhiều giờ, nhiều ngày sau khi ăn:

  • Nếu nguyên nhân do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố từ vi sinh vật: người bị ngộ độc thường chỉ biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (như đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể kèm theo biểu hiện mất nước (như khát nước, khô môi), nhiễm trùng (thường là sốt, vã mồ hôi).
  • Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất: người bị ngộ độc sẽ có biểu hiện không chỉ ở đường tiêu hoá mà cả ở các cơ quan khác, ví dụ như hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt), tim mạch (nhịp tim nhanh, trụy mạch).
  • Nếu nguyên nhân do chính thực phẩm vốn có độc tố: bệnh sẽ xuất hiện ngay sau khi ăn các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên, ví dụ như sắn, măng, cá nóc, cóc,..

CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

  • Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể, cần kích thích để người bị ngộ độc nôn ra thức ăn đang ở trong dạ dày. Có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Trong lúc tiến hành, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc. Nếu đã hôn mê thì không nên thực gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
  • Cho người bệnh uống thật nhiều nước và được nghỉ ngơi: sau khi nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước, nên đó là lúc cần tiến hành bù nước. Có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol hoặc uống nước gạo rang để bù lượng nước mất đi.
  • Gọi cấp cứu hoặc đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Vì dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu, bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất cứ lúc nào. Vậy nên người bị ngộ độc cần được sự trợ giúp và theo dõi từ nhân viên y tế.
  • Giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả thông tin về nhãn mác, thậm chí là bệnh phẩm nôn ra từ người bệnh để giúp cho các cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc.
  • Trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm: cần thông báo đến cơ sở y tế hoặc chính quyền địa phương để có thể chuẩn bị đầy đủ nhân lực, kịp thời thông báo và ngăn chặn ngộ độc tiếp diễn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm những nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, để dạy trẻ biết cách lựa chọn thực phẩm sao cho an toàn, hợp vệ sinh giúp duy trì bữa ăn gia đình và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM