Như các em đã biết, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người. Để tăng cường sức khỏe, ngoài ăn uống hợp lý thì cần phải có chế độ hoạt động thể lực các em nhé.
HOẠT ĐỘNG DÃ NGOẠI LÀ GÌ?
Hoạt động thể lực là bất kỳ chuyển động nào của cơ thể được tạo ra bởi cơ xương và có tiêu hao năng lượng. Hoạt động thể lực được thực hiện theo nhiều cách khác nhau như: tham gia vào các công việc lao động hàng ngày, hoạt động vui chơi, luyện tập thể dục thể thao và đi lại, v.v.
Các hoạt động thể lực của học sinh bao gồm: giờ học thể dục, vui chơi giải trí, khiêu vũ, thể thao trường học, các trò chơi vận động và các hoạt động trong thời gian nghỉ giữa các tiết học; đi bộ, chạy nhảy hoặc đi xe đạp đến trường và các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, tập luyện các môn thể thao, v.v.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC
- Hoạt động thể lực có tác dụng củng cố và tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể phát triển cân đối, giúp các em có hệ cơ xương, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn khỏe mạnh.
- Trẻ em nhờ hoạt động thể lực mà phòng tránh được nhiều bệnh như các biến dạng cột sống (gù lưng, lệch vai…), các bệnh tim mạch, thừa cân béo phì…
- Rèn luyện thể lực còn giúp các em phát triển trí tuệ, tình cảm. Có sức khỏe các em sẽ học tập tốt hơn, tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn
Chính vì vậy, để có một sức khỏe tốt các em cần hoạt động thể lực đều đặn hàng ngày.
RÈN LUYỆN THỂ LỰC NHƯ THẾ NÀO?

Tập thể dục buổi sáng đều đặn
- Hàng ngày, buổi sáng, sau khi thức dậy, các em nên tập thể dục khoảng 10 – 15 phút bằng những bài tập đơn giản. Khi tập thể dục buổi sáng nên đứng ở ngoài trời hoặc trong phòng thoáng khí.
- Tập đúng các động tác mà giáo viên thể dục đã hướng dẫn.
Tập thể dục tại trường
- Thực hiện tốt các tiết học về thể lực theo thời khóa biểu.
- Tham gia tập thể dục giữa buổi học đầy đủ và đúng động tác.
Luyện tập thể thao
- Tập bơi để tăng cường sức khỏe và đề phòng đuối nước. Phải thực hiện đúng nội quy của bể bơi. Không bơi lội ở những nơi nguy hiểm như nơi có nhiều chướng ngại vật, nước sâu, nơi vắng vẻ. Không bơi ở những nơi nước bẩn vì dễ sinh bệnh ngoài da. Khi đi bơi không đi một mình mà phải đi cùng người lớn
- Tích cực tham gia các hoạt động thể thao (chơi bóng đá, cầu lông, bóng bàn, nhảy cao….).
- Cần tập dần dần, nên bắt đầu với các hoạt động thể lực nhỏ và tăng dần thời lượng, tần suất và cường độ theo thời gian. Ví dụ, để khởi động việc rèn luyện thể chất, hãy bắt đầu làm bất kể việc gì mà các em thích với thời lượng trên 10 phút/ngày, mỗi tuần vài ngày.
- Nếu tập với dụng cụ thì cần chọn những dụng cụ vừa tầm sức, đảm bảo an toàn.
Giúp đỡ cha mẹ và người thân trong gia đình làm việc nhà trong thời gian rảnh rỗi.
- Trong những lúc rảnh rỗi hoặc khi học tập quá căng thẳng các em có thể phụ giúp bố mẹ nhặt rau, quét nhà hay tưới cây, giúp bố mẹ trông em, dọn dẹp nhà cửa, phòng học…
Thực hiện tốt các yêu cầu trong khi luyện tập
- Tránh luyện tập khi vừa ăn no.
- Không luyện tập dưới trời mưa, nắng to; không ngâm mình lâu dưới nước.
- Khi mắc một số bệnh tật đặc biệt thì cần được áp dụng hình thức luyện tập riêng. Ví dụ: Bạn nào mắc bệnh tim thì không được thi đấu thể thao, bị bệnh ngoài da thì không nên bơi ở bể bơi công cộng…
Hoạt động thể lực có tác dụng tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể phát triển, học tập tốt, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Khi hoạt động thể lực cần thực hiện thường xuyên, bắt đầu với những hoạt động nhỏ và tăng dần thời lượng, tần suất, cường độ và thời gian. Nên hoạt động ít nhất 60 phút mỗi ngày, thường xuyên và đều đặn, đảm bảo an toàn trong khi hoạt động các em nhé. Bố mẹ và các em có thể tham khảo thêm cách lên kế hoạch Vận Động Tích Cực Phù Hợp Cho Trẻ để giúp trẻ phát triển tốt nhất nhé!