Mẹo Giảm Muối Ngăn Ngừa Nguy Cơ Sức Khoẻ Cho Trẻ | Dinh Dưỡng Học Đường
Dinh dưỡng học đường

Ăn ngon ăn đúng

Khuyến khích trẻ ăn uống cân bằng, đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau để bổ sung đủ dinh dưỡng mỗi ngày.

MẸO GIẢM MUỐI NGĂN NGỪA NGUY CƠ SỨC KHỎE CHO TRẺ

Dinh dưỡng học đường

Một số cha mẹ, ông bà có suy nghĩ rằng khi nấu ăn cho thêm 1 tý muối vào sẽ giúp trẻ cứng cáp xương và sẽ ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, thói quen này hoàn toàn không đúng và còn mang lại nguy cơ sức khoẻ vô cùng nghiêm trọng.

Chính những thói quen này đã làm gia tăng đáng kể lượng muối mà chúng ta ăn vào hàng ngày dù không mang lại giá trị dinh dưỡng cho trẻ. Kết quả làm tăng cao hơn nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não và nhiều bệnh mạn tính khác.

NGUY CƠ SỨC KHOẺ TỪ THÓI QUEN CHO TRẺ ĂN MẶN

Ăn mặn khiến trẻ đối diện với nguy cơ sức khoẻ đầu tiên là suy thận vì cơ thể phải tìm cách đào thải muối thừa ra ngoài. Thận và hệ tiết niệu của trẻ phải làm việc quá sức dẫn tới suy giảm chức năng sớm. Trong quá trình đào thải muối, thì cơ thể cũng mất đi nhiều vi khoáng khác như kali, calci…

Đồng thời do ăn mặn nên lượng nước uống vào tăng, nếu vượt mức cần thiết thì tăng áp lực thẩm thấu vào máu, nước được tích giữ làm hại hệ tim mạch. Hàm lượng muối thừa cũng là nguyên nhân khiến trẻ béo phì.

Chính vì thế các chuyên gia dinh dưỡng từ thế giới đến Việt Nam đều khuyến cáo cha mẹ nên cho con ăn nhạt hơn. Với trẻ tiểu học, để khống chế lượng muối ăn vào, cha mẹ nên hạn chế cho con ăn những loại thực phẩm đóng gói như bim bim, khoai chiên. Mỗi khi mua thực phẩm đóng túi cho trẻ, bạn cũng nên chọn loại có hàm lượng Na thấp hơn 0,2g/100g phù hợp với chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

Nguy cơ sức khoẻ từ thói quen cho trẻ ăn mặn

 

MẸO GIẢM MUỐI NGĂN NGỪA NGUY CƠ SỨC KHOẺ CHO TRẺ

Muối là thành phần được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm. Trẻ nhỏ cũng cần bổ sung muối để đảm bảo sức khoẻ cho cơ thể. Tuy nhiên trong nguồn thực phẩm tự nhiên đã chứa hàm lượng muối nhất định. Vậy nên, mẹ chỉ cần nêm nếm với lượng nhỏ thích hợp khi nấu ăn để ngăn ngừa nguy cơ sức khoẻ nếu ăn quá nhiều muối. Dưới đây là một vài cách để giảm lượng muối trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ:

  • Cho trẻ ăn nhiều thực phẩm như trái cây và rau quả tươi
  • Hãy thử ướp gia vị thực phẩm thay thế muối không chứa natri, cố gắng hạn chế thêm muối khi nêm nếm gia vị
  • Không nên để thêm nước chấm trong bữa ăn tạo thói quen ăn mặn khó sửa đổi
  • Đọc thông tin thành phần dinh dưỡng trên tất cả các loại thực phẩm đóng hộp hoặc đông lạnh để xem số lượng Natri có phù hợp nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Thực phẩm có ít hơn 140 mg natri trong mỗi khẩu phần được xem là ít.
  • Kiểm tra hàm lượng natri trong đồ ăn nhẹ, ngay cả những món không có vị mặn như bim bim, các loại hạt,...
  • Hạn chế sử dụng nhiều nước sốt hoặc gia vị như sốt cà chua chung với thức ăn.

Nói tóm lại, ăn mặn sẽ gây nhiều nguy cơ sức khoẻ cho trẻ về tương lai đồng thời hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh. Ba mẹ có thể tham khảo Chế Độ Dinh Dưỡng Hợp Lý Cho Trẻ Tiểu Học để xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lý.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM