Nguyên Nhân Và Hậu Quả Thừa Cân Béo Phì Ở Trẻ| Dinh Dưỡng Học Đường
Dinh dưỡng học đường

Ăn ngon ăn đúng

Khuyến khích trẻ ăn uống cân bằng, đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau để bổ sung đủ dinh dưỡng mỗi ngày.

NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ THỪA CÂN BÉO PHÌ Ở TRẺ

Dinh dưỡng học đường

Thừa cân béo phì ở trẻ em sẽ làm tăng nguy cơ béo phì ở tuổi trưởng thành và các bệnh mạn tính không lây. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá số cân “nên có” so với chiều cao của trẻ; còn béo phì là tình trạng tích lũy mỡ thừa quá mức và không bình thường ở một chỗ hoặc toàn cơ thể, dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân, hậu quả mà thừa cân, béo phì có thể gây ra cho trẻ nhé!

NGUYÊN NHÂN THỪA CÂN BÉO PHÌ Ở TRẺ

  • Ăn uống không đúng cách: trẻ ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, thức ăn nhanh, đồ ngọt; nạp năng lượng nhiều hơn so với nhu cầu của độ tuổi, giới tính.
  • Thói quen ít vận động: do mải xem tivi hay chơi điện tử, trẻ lười vận động thể lực khiến cho năng lượng dư thừa tích lũy vào cơ thể của trẻ, đặc biệt là ở bụng, mông, đùi và vai.
  • Môi trường sống: trẻ ở thành phố; trẻ sống trong gia đình có nhiều người bị thừa cân, béo phì hoặc gia đình ít con sẽ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì cao hơn các trẻ khác.
  • Trẻ có sử dụng thuốc điều trị hen suyễn, khớp,...

HẬU QUẢ CỦA THỪA CÂN BÉO PHÌ Ở TRẺ

Hậu quả của thừa cân, béo phì là gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ, ngay khi trẻ còn nhỏ và cả khi trưởng thành:

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, bệnh lý túi mật, ngưng thở khi ngủ, giả u não (gây nhức đầu), một số loại ung thư,...
  • Ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp (đau khớp hông, khớp gối, giảm vận động).
  • Ảnh hưởng về mặt tâm lí, xã hội (mặc cảm, xấu hổ).
  • Giảm hiệu suất lao động, học tập.

Trẻ bị thừa cân béo phì thường hay có mặc cảm về vóc dáng của mình. Trẻ sẽ dễ cảm thấy tự ti, xấu hổ, không thích giao tiếp,... nếu tâm lý bị ảnh hưởng nhiều, trẻ cũng rất dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Hơn nữa, cân nặng nhiều hơn mức bình thường cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển thể chất, và gây cản trở đến các hoạt động thể lực ở lứa tuổi của trẻ. Vì thế, điều chỉnh chế độ ăn uống cân đối, hợp lí và tập thói quen vận động tích cực ngay từ khi trẻ còn nhỏ là điều hết sức cần thiết, như thế không chỉ giúp trẻ sớm làm quen tốt với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, mà còn giúp cho trẻ phát triển thể lực tốt hơn, phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ và phòng tránh các bệnh mạn tính sau này.

Tuy nhiên, bố mẹ cần nhớ mục tiêu điều trị thừa cân béo phì ở trẻ sẽ khác so với người trưởng thành. Bởi vì ngoài việc hạn chế để trẻ tăng cân quá nhanh bằng chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực, thì bố mẹ còn cần phải cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng để bảo đảm cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng: canxi, sắt, kẽm,...

Nguyên nhân và hậu quả thừa cân béo phì ở trẻ

 

Để nhận biết liệu trẻ có đang bị thừa cân béo phì hay không, bố mẹ hãy xem hướng dẫn cách đánh giá tình trạng dinh dưỡng hiện tại của trẻ tại đây nhé!

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM