Với trẻ em, nhất là những trẻ bị suy dinh dưỡng càng nhạy cảm với các bệnh do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn nên càng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm và gây nên những hậu quả nặng nề. Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng để trẻ phát triển toàn diện. Nhưng nếu sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh sẽ dễ bị ngộ độc cấp tính, nhưng vấn đề nguy hiểm hơn là sự tích lũy các chất độc hại trong cơ thể sau một thời gian dài rồi mới phát bệnh (Ví dụ ăn nhiều lạc mốc có thể gây ung thư sau một thời gian; hoặc thực phẩm bị ô nhiễm kim loại nặng, khi ăn vào, kim loại nặng sẽ tích tụ dần trong cơ thể). Vì vậy, để có bữa ăn hợp lý về dinh dưỡng, bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bạn cần trang bị cho trẻ kiến thức về dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm và kĩ thuật nấu nướng.
10 NGUYÊN TẮC VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Sau đây là 10 “nguyên tắc vàng” về an toàn thực phẩm giúp trẻ và người thân trong gia đình luôn khỏe mạnh:
- Chọn thực phẩm an toàn: chọn thực phẩm tươi sạch, không có mùi lạ. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kĩ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Không nên tái đông thực phẩm đã rã đông.
- Nấu chín kĩ thức ăn: nhiệt độ sôi có thể tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh nhưng phải nấu kĩ để đạt nhiệt độ sôi đồng đều và đun thực phẩm chín hoàn toàn. Hãy bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt trên 70°C.
- Ăn ngay sau khi nấu: thức ăn chín để nguội ở nhiệt độ bình thường dễ bị vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên cho trẻ ăn ngay khi thức ăn còn nóng vừa nấu chín xong. Chuối, cam, dưa và các loại quả khác thì cần ăn ngay sau khi vừa bóc hay vừa cắt ra.
- Bảo quản cẩn thận các loại thức ăn đã nấu chín: muốn bảo quản thức ăn hơn 5 tiếng cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ thì không nên dùng lại.

- Nấu lại thức ăn thật kĩ: các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng nhất thiết phải được đun nóng lại.
- Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn: thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác: nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kĩ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
- Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn, do đó bất kì bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
- Bảo quản thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: cất giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn,... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể xem thêm bài viết dạy trẻ cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm để góp phần giúp trẻ nâng cao nhận thức, tự bảo vệ sức khỏe bản thân.