Sự Phát Triển Thể Chất Của Trẻ Dậy Thì | Dinh Dưỡng Học Đường
Dinh dưỡng học đường

Vận động tíCh CỰC

Giúp trẻ thích thú với việc vận động mỗi ngày để thêm vui khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát và sáng tạo hơn.

SỰ PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT CỦA TRẺ DẬY THÌ

Dinh dưỡng học đường

Cùng tìm hiểu quá trình phát triển thể chất của trẻ dậy thì để bổ sung dinh dưỡng hợp lý, khuyến khích trẻ vận động tích cực giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, trọn tiềm năng!

Dậy thì là giai đoạn mà tốc độ phát triển thể chất của trẻ diễn ra nhanh nhất. Sự thay đổi của hệ thần kinh, nội tiết và đặc biệt là các tuyến sinh dục tạo ra những biến đổi về hình thức và sự tăng trưởng của cơ thể. Chính vì vậy, bố mẹ cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ hợp lý, khuyến khích trẻ vận động tích cực với các hoạt động thể chất phù hợp để phát triển trọn tiềm năng!

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT CỦA TRẺ DẬY THÌ

  • Tuổi dậy thì ở bé gái: thường bắt đầu từ 10 - 15 tuổi, tuy nhiên có những bé vẫn phát triển sớm hơn. Bé gái tăng trung bình 3 - 4kg/ năm, chiều cao tăng 4 - 7cm/ năm. Ngoài ra, chu kì kinh nguyệt là chủ đề quan trọng mà bạn nên giải thích cho bé gái đến tuổi dậy thì. Hãy trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản để trẻ không lo lắng, sợ hãi và biết cách vệ sinh cá nhân khi đến kì kinh nguyệt.
  • Tuổi dậy thì ở bé trai: sự phát triển chiều cao, cân nặng thường bắt đầu từ 13 - 16 tuổi. Bé trai tăng trung bình 5 - 6kg/ năm, chiều cao tăng 7 - 9cm/ năm. Trong giai đoạn dậy thì, các bộ phận của cơ quan sinh dục sẽ biến đổi nhiều nhất. Bé trai có thể gặp phải tình trạng mộng tinh. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ phát triển tính dục bình thường. Bạn cần giải thích cho con hiểu rằng hiện tượng này xảy ra với tất cả mọi cậu bé khi đến tuổi dậy thì và sẽ chấm dứt khi con lớn lên.
Sự Phát Triển Thể Chất Của Trẻ Dậy Thì - Hình 1

 

VẬN ĐỘNG TÍCH CỰC, PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT TUỔI DẬY THÌ

Dậy thì là “cơ hội cuối cùng” để giúp trẻ cải thiện chiều cao. Khi qua độ tuổi này, sụn tăng trưởng ở các đầu xương sẽ không phát triển nữa, hoạt động tiết hormone cũng giảm dần. Nếu bỏ lỡ “giai đoạn vàng” này, trẻ sẽ không thể phát triển chiều cao một cách tự nhiên nữa. Sau đây là 3 cách tăng chiều cao ở tuổi dậy thì qua thói quen sinh hoạt:

  • Chế độ luyện tập hàng ngày: thường xuyên vận động, tập thể dục giúp phát triển thể lực và tăng cường các phản xạ nhanh nhẹn, bền bỉ, dẻo dai. Nhiều môn thể thao hỗ trợ phát triển chiều cao tối ưu như: bơi, đạp xe, nhảy cao, chạy, đánh cầu lông,…
  • Quản lý cân nặng: trọng lượng quá khổ gây ra thừa cân béo phì và tăng áp lực lên xương, khiến xương khó phát triển. Do đó, trẻ ở tuổi dậy thì cần chú ý duy trì cân nặng hợp lý để cải thiện chiều cao nhanh chóng.
  • Chế độ nghỉ ngơi khoa học: xương chủ yếu phát triển trong thời gian cơ thể “nghỉ ngơi”, do các hormone tăng trưởng được sản sinh trong lúc cơ thể đang ngủ sâu giấc. Thời gian và chất lượng của giấc ngủ càng cao thì cơ thể càng tiết ra nhiều hormone hơn, giúp trẻ phát triển tốt hơn. Do đó, trẻ ở tuổi dậy thì nên ngủ đủ 8 tiếng vào ban đêm, buổi trưa nên ngủ khoảng 15 - 30 phút.

Bên cạnh việc lựa chọn các hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, sức khỏe để tăng tốc phát triển thể chất của trẻ, bạn có thể tham khảo thêm dinh dưỡng cho trẻ tuổi dậy thì để khám phá thực đơn dinh dưỡng giàu năng lượng, giúp trẻ ăn ngon ăn đúng, phát triển tối ưu trong giai đoạn dậy thì nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM