Chất đạm (Protein) là 1 trong 4 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản và quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ và giữ vai trò thiết yếu đối với sự phát triển cơ thể của trẻ. Cùng tìm hiểu về nhóm chất dinh dưỡng này qua bài viết sau nhé!
VAI TRÒ CỦA CHẤT ĐẠM (PROTEIN)
- Cần thiết cho việc xây dựng, duy trì và tái tạo tế bào của các tổ chức trong cơ thể.
- Là thành phần của các kháng thể giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
- Là thành phần của các men, các nội tiết tố (hormon) rất quan trọng trong hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
- Khi cần có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể (1gam protein khi chuyển hóa, cung cấp 4kcal năng lượng).
THỰC PHẨM THÔNG DỤNG GIÀU CHẤT ĐẠM
- Thực phẩm nguồn gốc động vật: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, lươn, cua, nhuyễn thể (trai, sò, ốc, hến, ngao,…).
- Thực phẩm nguồn gốc thực vật: đậu, đỗ, vừng, lạc,...
THỨC ĂN THÔNG DỤNG GIÀU CHẤT ĐẠM

- Các món ăn từ thịt động vật và thịt gia cầm: thịt lợn, thịt bò, gà, vịt, ngan, các loại chim,…
- Cá và chế phẩm của cá: các món ăn từ cá (cá hấp, cá nấu canh chua, cá sốt cà chua,...), nước mắm (trong nước mắm cũng có chất đạm nhưng cần hạn chế vì nước mắm mặn ăn nhiều không tốt cho cơ thể, dễ gây tăng huyết áp, thận kém,…).
- Sữa và chế phẩm của sữa: sữa tươi, sữa chua, phô mai, váng sữa,… Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất vì có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng với tỉ lệ thích hợp.
- Các món ăn từ tôm, cua, nhuyễn thể: tôm rang, canh cua đồng, cua biển hấp, ngao nấu canh chua,… Các món ăn từ tôm và cua là nguồn canxi rất dồi dào cho trẻ.
- Các món ăn từ trứng: trứng gà rán/ luộc, trứng cá nấu canh, trứng cua cáy, trứng vịt lộn luộc/ xào me,... Các loại trứng là nguồn cung cấp chất đạm tốt vì có đầy đủ các acid amin với tỉ lệ cân đối, tuyệt đối không cho trẻ ăn trứng sống, trứng đã hỏng vì có thể gây ngộ độc.
- Các món ăn từ đậu đỗ: đậu phụ, sữa đậu nành, bột đậu nành/ mầm đậu nành, đậu tương rang, chè đỗ đen/ đỗ đỏ,… trong đó nên sử dụng các thức ăn từ đậu tương (đậu nành) vì đây là nguồn đạm từ thực vật có giá trị cao, có khả năng phòng chống các bệnh tim mạch, ung thư,...
- Các món ăn từ vừng, lạc: muối vừng, xôi lạc,… Không ăn lạc mốc vì có chứa độc tố vi nấm gây bệnh ung thư gan,…
Để cơ thể phát triển khỏe mạnh, trẻ cần có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm. Chú ý lựa chọn nguồn thực phẩm bổ sung protein thích hợp, kết hợp protein thực vật và động vật để đảm bảo lượng protein cung cấp cho cơ thể của trẻ hàng ngày. Tối thiểu cần 1/3 hoặc 1/2 lượng đạm động vật trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn thêm các Thực Phẩm Dinh Dưỡng Giàu Vitamin, Chất Khoáng như rau, các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây để tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, cung cấp chất xơ cho cơ thể của trẻ.
TÁC HẠI KHI SỬ DỤNG CHẤT ĐẠM KHÔNG HỢP LÝ
- Chế độ ăn thiếu đạm: khi chế độ ăn hàng ngày thiếu chất đạm, không đủ đáp ứng nhu cầu trong thời gian kéo dài, trẻ có thể gặp các tình trạng như: cơ bắp nhão, sút cân dẫn tới suy dinh dưỡng; giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh; cơ thể bị phù nề, do protein cấu tạo nên các tế bào, giúp duy trì cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể, nếu cơ thể không đủ protein, những cấu trúc này bị phá vỡ, các chất lỏng bị rò rỉ, gây tình trạng phù nề.
- Chế độ ăn thừa đạm: gây nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe của trẻ như đau khớp, tăng nguy cơ mắc bệnh gout, dễ mắc các bệnh viêm nhiễm, làm thiếu hụt canxi và vitamin D,… Các dấu hiệu cảnh báo trẻ thừa đạm bao gồm: khát nước vì khi ăn nhiều đạm, thận phải làm việc nhiều hơn để thải lượng nước tiểu nhiều hơn. Ngoài ra, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa vì chế độ ăn nhiều đạm thường ít hoặc không có chất xơ, gây táo bón, cảm giác trướng bụng, co thắt ruột,… Cuối cùng là khiến trẻ bị tăng cân, béo phì.
