Thực Phẩm Dinh Dưỡng Giàu Chất Bột Đường
Dinh dưỡng học đường

Ăn ngon ăn đúng

Khuyến khích trẻ ăn uống cân bằng, đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau để bổ sung đủ dinh dưỡng mỗi ngày.

THỰC PHẨM DINH DƯỠNG GIÀU CHẤT BỘT ĐƯỜNG

Dinh dưỡng học đường

Thiếu chất bột đường sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của cơ thể. Cùng tìm hiểu về tầm quan trọng của nhóm chất dinh dưỡng này với sức khỏe của trẻ này tại bài viết sau bạn nhé!

VAI TRÒ CỦA CHẤT BỘT ĐƯỜNG (GLUXIT)

Gluxit / carbohydrates - hay còn gọi là các chất bột đường gồm các loại lương thực, đường và chất xơ, có các vai trò chính như sau:

  • Cung cấp năng lượng: trong dinh dưỡng, vai trò chính của gluxit là cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Trong các khẩu phần ăn hàng ngày, hơn 1/2 số năng lượng là do gluxit cung cấp. Trong cơ thể, 1gam gluxit được oxy hóa cho 4kcal, đó là nguồn năng lượng chính cho hoạt động của cơ, não bộ và tránh gây toan hóa máu.
  • Vai trò tạo hình: ngoài vai trò sinh năng lượng, ở mức độ nhất định gluxit có cả vai trò tạo hình vì có mặt trong thành phần tế bào, tổ chức.
  • Điều hoà hoạt động của cơ thể: gluxit tham gia chuyển hoá lipit. Khi nhu cầu năng lượng cao mà dự trữ gluxit của cơ thể và gluxit của thức ăn không đủ, cơ thể sẽ tạo gluxit từ lipit. Khẩu phần ăn được cung cấp đầy đủ gluxit làm giảm phân huỷ chất đạm đến mức tối thiểu. Ở các khẩu phần ít chất đạm, một lượng đầy đủ gluxit có khả năng tiết kiệm chất đạm. Ngược lại, khi trẻ vận động nhiều nếu cung cấp gluxit không đầy đủ sẽ làm tăng phân huỷ chất đạm.
  • Là nguồn cung cấp chất xơ: chất xơ làm khối thức ăn lớn hơn, do đó tạo cảm giác no, tránh việc tiêu thụ quá nhiều chất sinh năng lượng. Chất xơ trong thực phẩm làm phân mềm ra, tăng kích thước và nhanh chóng di chuyển trong đường tiêu hoá. Chất xơ còn hấp phụ những chất có hại trong ống tiêu hoá như cholesterol, các chất gây oxy hoá, chất gây ung thư,... nên khi khẩu phần ăn đủ xơ sẽ giúp cơ thể chống táo bón, nhuận tràng, giảm nguy cơ ung thư đại tràng,…

THỰC PHẨM THÔNG DỤNG GIÀU CHẤT BỘT ĐƯỜNG

Chất bột đường (gluxit) chủ yếu có trong thức ăn nguồn gốc thực vật, thức ăn nguồn gốc động vật cũng có nhưng không đáng kể. Một số thực phẩm thông dụng giàu chất bột đường là: gạo, ngô, các loại khoai (khoai tây, khoai lang, khoai sọ,…), sắn, bột mì, kê,…

Banner

Các thực phẩm này được chế biến thành các thức ăn hàng ngày như cơm, xôi, phở, bún, bánh mì, miến, bánh quy, kẹo,... Nếu khẩu phần ăn của trẻ thiếu chất bột đường (gluxit), trẻ có thể bị sút cân và mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu trẻ ăn quá nhiều, lượng chất bột đường (gluxit) dư thừa sẽ chuyển hoá thành lipit tích trữ trong cơ thể gây thừa cân, béo phì ở trẻ. Hơn nữa, việc sử dụng đường tinh chế (bánh, kẹo, đường,…) quá nhiều còn làm ảnh hưởng tới cảm giác ngon miệng của trẻ, gây sâu răng, kích thích dạ dày, đầy hơi. Vì vậy, không nên cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo và các thực phẩm chứa nhiều đường nhé.

Bên cạnh xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý cho trẻ từ các thực phẩm giàu chất bột đường, bạn có thể tìm hiểu thêm về Thực Phẩm Dinh Dưỡng Giàu Vitamin, Chất Khoáng để có thể thiết kế thực đơn cung cấp đầy đủ dưỡng chất giúp trẻ ăn ngon ăn đúng và phát triển một cách toàn diện nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM