Bữa ăn gia đình cần phải đáp ứng cân đối về mặt dinh dưỡng và phải phù hợp với điều kiện sống, mức kinh tế của cả nhà. Như thế mới có thể duy trì thường xuyên, tạo nên nền tảng dinh dưỡng khỏe mạnh cho các thành viên. Đây là những điều quan trọng cần lưu ý để xây dựng bữa ăn gia đình hợp lý, dinh dưỡng.
- Đáp ứng phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của các thành viên trong gia đình: Tùy thuộc vào lứa tuổi, giới tính, thể trạng và công việc mà mỗi người sẽ có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Do đó điều đầu tiên bạn cần làm là xác định được đặc điểm của các thành viên trong gia đình bằng cách dựa trên những yếu tố trên, sau đó bạn sẽ ước định và biết cách chọn lựa loại thực phẩm phù hợp. Ví dụ: Trẻ em đang lớn thì cần phải ăn nhiều loại thực phẩm để phát triển cơ thể. Người lớn đang làm việc, đặc biệt là lao động chân tay thì cần ăn các loại thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng. Hay phụ nữ có thai cần ăn những thực phẩm giàu chất đạm, canxi, phốt pho và chất sắt.
- Phù hợp với điều kiện tài chính của cả nhà: Tùy vào điều kiện tài chính và cân nhắc về ngân sách hiện có mà quyết định chọn mua loại thực phẩm nào! Không phải mua đắt tiền là thực phẩm sẽ ngon, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính an toàn, bổ dưỡng, và cách chế biến phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình, từ đó chọn lựa thực phẩm thích hợp cho gia đình.
- Bữa ăn cần đảm bảo cân bằng các chất dinh dưỡng: Để tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh và cân đối về dinh dưỡng thì bữa ăn cần phải có ít nhất 4 món từ 4 nhóm thực phẩm chính: Nhóm chất bột đường (cơm, bún, phở, miến); nhóm chất đạm (đậu phụ, vừng, lạc, thịt, cá); nhóm chất béo (dầu, mỡ); nhóm vitamin và chất khoáng (rau, củ, quả, trái cây).
- Đảm bảo sự đa dạng, thay đổi thực phẩm thường xuyên trong các bữa ăn: Số loại thực phẩm khác nhau được sử dụng trong các bữa ăn nói lên tính đa dạng của khẩu phần ăn, đa dạng thực phẩm sẽ giúp cơ thể có cơ hội hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng. Có nhiều cách để đa dạng bữa ăn như thay đổi món ăn cho gia đình mỗi ngày để tránh nhàm chán; thay đổi các phương pháp chế biến để có món ăn ngon miệng; hay thay đổi hình thức trình bày và màu sắc của món ăn để bữa ăn thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trong bữa ăn không nên có thêm món ăn cùng loại thực phẩm hoặc cùng phương pháp chế biến với món chính đã có. Ví dụ: bữa ăn đã có món cá kho thì không cần phải thêm món cá hấp.

Ngoài 4 điều quan trọng trên chúng ta cũng cần quan tâm tổ chức tốt bếp ăn tại nhà như: Nhà bếp cần thoáng đãng, ngăn nắp, sạch sẽ. Có đủ trang thiết bị bảo quản thực phẩm, dụng cụ cắt, gọt, dao, thớt, tủ lạnh, nếu có điều kiện thì trang bị thêm lò vi sóng, lò nướng,… Và cuối cùng là có đủ nước tại chỗ để rửa tay, rửa rau, rửa bát.
Việc xây dựng một bữa ăn cân đối dinh dưỡng cho gia đình không phải là một việc khó đúng không nào? Chỉ cần áp dụng những nguyên tắc trên, bạn sẽ dần áp dụng được cách thức tổ chức bữa ăn gia đình một cách hợp lý. Nếu bạn chưa quen thì cũng đừng vội, hãy tham khảo ngay những gợi ý về THỰC ĐƠN DINH DƯỠNG để áp dụng và làm quen với cách tổ chức bữa ăn hợp lí nhưng vẫn đầy đủ dinh dưỡng nhé!